Loại hình công ty hợp danh hiện nay không phổ biến tại Việt Nam, vì thế khi có ai đó muốn thành lập công ty hợp danh sẽ khá khó tìm được thông tin như các loại hình công ty khác. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn quý độc giả điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập công ty hợp danh. Cùng theo dõi nhé!
Công ty hợp danh là gì?
Luật Doanh nghiệp 2020 không đưa ra một định nghĩa khái quát, mà mô tả công ty hợp danh qua các đặc điểm đặc trưng. Cụ thể điều 177, Luật doanh nghiệp 2020 định nghĩa công ty hợp danh như sau:
“1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
2. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.”
⇒ Như vậy, công ty hợp danh là doanh nghiệp đối nhân, trong đó phải có ít nhất hai người cùng sở hữu công ty (gọi là thành viên hợp danh). Các thành viên hợp danh có quyền quản lý, địa diện công ty và chịu trách nhiệm vô hạn (bằng toàn bộ tài sản của mình) về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh của công ty.
Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm các thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn không có quyền quản ký, không có quyền đại diện công ty và chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Quy định này khiến các nhà kinh doanh có thể dễ dàng hơn khi tổ chức, hoạt động theo mô hình công ty hợp danh, vì họ có thể kết nạp hoặc không kết nạp thành viên góp vốn mà không phải đăng ký thay đổi loại hình doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tham khảo thêm:
- Kinh tế quốc tế là ngành gì? Làm nghề gì sau khi ra trường?
- Chiến lược kinh doanh – Bí quyết để thành công ngày nay
Đối tượng có quyền thành lập công ty hợp danh
Đối tượng có quyền thành lập công ty hợp doanh phải là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự để chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp do mình góp vốn thành lập.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự nào cũng có quyền thành lập công ty hợp danh. Khoản 2, điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các trường hợp sau bị cấm thành lập công ty:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tham khảo thêm:
- Phân biệt thành viên hợp danh và thành viên góp vốn
- Công ty hợp danh có bao nhiêu thành viên góp vốn?
- Ưu điểm và nhược điểm của công ty hợp danh
Trình tự, thủ tục thành lập công ty hợp danh
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty hợp danh
Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi thành lập công ty hợp danh cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên.
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Các bạn nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã chuẩn bị ở Bước 1 tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo 1 trong 2 phương thức sau:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử (Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp)
Cách thực hiện như sau:
*Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh
- Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh;
- Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện..
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Lưu ý: Nếu muốn nộp trực tiếp thì các bạn nên liên hệ trước để xác nhận họ có nhận hồ sơ giấy hay không. Vì hiện nay rất nhiều tỉnh thành như Hà Nội, tp.HCM, Bình Dương… chỉ còn tiếp nhận hồ sơ thành lập công ty online.
*Cách 2: Nộp hồ sơ qua mạng
Các bạn sẽ thực hiện kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, các bạn sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Lưu ý: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử (định dạng “.doc” hoặc “.docx” hoặc “.pdf”)
Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Lệ phí đăng ký thành lập công ty hợp danh:
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần.
- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần.
- Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký qua mạng điện tử, đăng ký thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Các bạn nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như hướng dẫn ở bước 2.
Lưu ý: Nếu Quý khách hàng tự công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp cần thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 26, Nghị định 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/07/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nếu doanh nghiệp không công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp đúng hạn sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và phải khắc phục hậu quả là: buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Khắc dấu pháp nhân của doanh nghiệp
Một việc quan trọng tiếp theo doanh nghiệp cần thực hiện sau khi thành lập là khắc con dấu của công ty, để sử dụng cho các giao dịch.(hoặc có thể sử dụng chữ ký số để thay cho con dấu).
Theo Điều 43 của Luật Doanh nghiệp 2020, các công ty được tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung của con dấu.
Các thủ tục sau thành lập công ty hợp danh cần thực hiện
- Treo biển tại trụ sở công ty
- Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế
- Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, đăng ký mẫu 08 tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế, đăng ký nộp thuế điện tử .
- Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử
- In và đặt in hóa đơn
Trên đây là những điều cần biết khi thành lập công ty hợp danh và một số thủ tục thành lập công ty hợp danh bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn nắm vững kiến thức để khởi nghiệp thành công!