Doanh nghiệp tư nhân có con dấu không? Con dấu doanh nghiệp tư nhân theo quy định pháp luật như thế nào? Nếu đây là bạn đang thắc mắc về vấn đề này thì có thể tham khảo bài viết dưới đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cung cấp thông tin về giá trị của con dấu, trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý sử dụng con dấu mà pháp luật hiện hành quy định.
Doanh nghiệp tư nhân có con dấu không?
Con dấu doanh nghiệp được coi là một tài sản của doanh nghiệp, trước ngày 1/7/2015, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì con dấu do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp và chỉ cấp duy nhất 1 con dấu, dấu này trong mọi trường hợp đều bắt buộc. Nếu không có con dấu thì các hoạt động của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, không tiếp tục được.
Từ ngày 1/7/2015 khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, quy định về con dấu cũng được nới lỏng hơn, giảm bớt những bất cập thì việc sở hữu con dấu đối với doanh nghiệp không còn là bắt buộc nữa.
Sử dụng con dấu để thực hiện các giao dịch trong công ty, đóng dấu hợp đồng với đối tác. Tuy nhiên, thực tế cũng xảy ra nhiều bất cập khi sử dụng con dấu. Chẳng hạn như:
Ví dụ, nội bộ công ty có xảy ra mâu thuẫn giữa Giám đốc công ty và các thành viên khác, Giám đốc đang giữ con dấu và không đồng ý đóng dấu các văn bản công ty khiến cho công việc bị đình trệ?
Hoặc là đến ngày ký hợp đồng với đối tác nhưng bên bạn quên không mang theo dấu khiến cho đối tác mất niềm tin và cũng có thể mất cả hợp đồng hợp tác đó.
Hiện nay, mặc dù không có tư cách pháp nhân nhưng pháp luật cũng không có quy định nào quy định về việc doanh nghiệp tư nhân không được sử dụng con dấu. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân vẫn có con dấu. Việc trang bị con dấu để hoạt động của doanh nghiệp vẫn là phần tất yếu trong doanh nghiệp và trong một số trường hợp cụ thể, pháp luật vẫn quy định bắt buộc sử dụng con dấu.
Tham khảo thêm:
- Công ty hợp danh và những thông tin mà bạn cần biết
- Kinh tế quốc tế là ngành gì? Làm nghề gì sau khi ra trường?
Quy định về con dấu của doanh nghiệp tư nhân
Con dấu của doanh nghiệp tư nhân theo quy định pháp luật mới nhất như thế nào? Hình thức, nội dung và các quy định về cách sử dụng con dấu ra sao? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Giá trị pháp lý của con dấu
Con dấu của doanh nghiệp tư nhân có thể xem là vật để đại diện pháp lý cho doanh nghiệp, nó bảo đảm niềm tin và sự chính xác cho những văn bản mà doanh nghiệp ban hành và ký kết với đối tác. Cũng nhờ có con dấu mà các văn bản hoặc báo cáo được bảo vệ và có giá trị trước pháp luật. Đối với bên nhận những văn bản, giấy tờ có xác thực bằng con dấu, bạn yên tâm và tin tưởng hơn về trách nhiệm của bên soạn thảo và ban hành văn bản.
Bên cạnh chức năng trên, con dấu còn được sử dụng để tạo tính mệnh lệnh, văn bản có đóng dấu sẽ có giá trị thông qua các quy định, tổ chức hoặc thay đổi được ban hành để nhân viên tuân theo.
Khi có con dấu được đóng trên giấy chứng nhận, giấy ủy quyền hoặc văn bản góp vốn sẽ làm cho những đối tượng có ý định giả mạo giấy tờ gặp khó khăn, không mạo danh được.
Ngoài ra, con dấu cũng có thể xem là đại diện pháp lý của doanh nghiệp, tạo sự khác biệt để khách hàng phân biệt giữa công ty này và công ty khác, khẳng định được vị thế, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường với khách hàng và các đối thủ khác.
Số lượng, hình thức, nội dung con dấu
Theo quy định tại Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 và những văn bản hướng dẫn thi hành, Doanh nghiệp có quyền trong việc quyết định về số lượng, hình thức, nội dung con dấu của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Về thẩm quyền quyết định
Thẩm quyền quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu thì:
Chủ doanh nghiệp tư nhân quyết định đối với doanh nghiệp tư nhân.
Về số lượng, hình thức và nội dung con dấu
Trước đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp có toàn quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung trên con dấu tuy nhiên, nội dung con dấu bắt buộc có thông tin sau đây:
– Tên doanh nghiệp tư nhân;
– Mã số doanh nghiệp tư nhân.
Đến ngày 01/ 01/ 2021, thời điểm Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, quy định bắt buộc về thông tin thể hiện trên đã được bãi bỏ. Từ quy định khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được quyền quyết định loại dấu, số lượng và hình thức cũng như nội dung dấu.
Điều này cho thấy rằng doanh nghiệp tư nhân sẽ được toàn quyền quyết định về nội dung thể hiện con dấu của doanh nghiệp mình sử dụng mà có quy định pháp luật nào ràng buộc về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 còn mở rộng quyền cho doanh nghiệp, được quyền quyết định về loại dấu, số lượng, hình thức cũng như nội dung dấu đối với chi nhánh/ văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp (đây được coi là điểm mới, bổ sung mà trước đó Luật Doanh nghiệp 2014 chưa ghi nhận).
Qua quy định này, ta thấy được rằng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng đang được mở rộng quyền và chủ động trong việc tạo lập con dấu của mình.
Hình ảnh, nội dung không được thể hiện trên con dấu doanh nghiệp
Mặc dù được chủ động trong việc thể hiện nội dung con dấu nhưng doanh nghiệp cũng lưu ý một số thông tin không được thể hiện trên con dấu doanh nghiệp. Cụ thể:
Doanh nghiệp không được phép sử dụng các hình ảnh, từ ngữ và ký hiệu sau đây để thể hiện mẫu con dấu:
– Quốc kỳ, Quốc huy hoặc Đảng kỳ của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Hình ảnh, biểu tượng hoặc tên của nhà nước, các cơ quan nhà nước, những đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp hoặc là tổ chức xã hội nghề nghiệp.
– Từ ngữ, ký hiệu và những hình ảnh vi phạm về truyền thống lịch sử, đạo đức, văn hóa cũng như thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bảo đảm tuân thủ những quy định của pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và quy định pháp luật khác có liên quan trong việc sử dụng hình ảnh, ký hiệu và từ ngữ trong nội dung hay hình thức mẫu con dấu.
Tham khảo thêm:
- Ưu điểm và nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân
- Doanh nghiệp tư nhân phải nộp các loại thuế nào?
- Quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân
Các loại dấu trong doanh nghiệp tư nhân
Con dấu gồm 2 loại như sau: con dấu pháp lý và con dấu không mang tính chất pháp lý
Con dấu pháp lý
Con dấu mang tính pháp lý được phát hành bởi những đơn vị có thẩm quyền cấp. Con dấu này xác thực tính pháp lý đối với những văn bản ban hành.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận 2 hình thức sử dụng con dấu, bao gồm:
– Dấu được khắc tại cơ sở khắc dấu;
– Dấu sử dụng hình thức chữ ký số theo đúng quy định của pháp luật về những giao dịch điện tử.
Quy định cho thấy việc chính thức công nhận hình thức chữ ký số là dấu của doanh nghiệp. Đây được coi là nội dung hoàn toàn mới, đáng chú ý so với những quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
Chữ ký số đã được quy định trong Nghị định 130/2018/NĐ-CP. Theo đó, chữ kí số hiểu đơn giản là một dạng chữ ký điện tử đã được mã hóa các dữ liệu và thông tin của một doanh nghiệp được dùng để ký thay thế cho chữ kí trên những loại văn bản và các tài liệu số thực hiện ở các giao dịch điện tử qua hệ thống mạng internet.
Việc áp dụng chữ ký điện tử làm dấu của doanh nghiệp tư nhân đã góp phần giúp cho doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn trong việc sử dụng dấu thay cho việc chỉ sử dụng con dấu được khắc như hiện nay.
Con dấu không mang tính chất pháp lý
Những dấu này được dùng trong những giao dịch thông thường của công ty
- Mẫu con dấu này có thể thuộc những dạng như hình tròn hay hình đa giác hoặc hình dạng khác (thường thấy sẽ là hình vuông hay tròn).
- Mẫu con dấu có sự thống nhất về: Hình thức và kích thước và nội dung.
- Nội dung của con dấu tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể bao gồm tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, địa chỉ…Ngoài ra, doanh nghiệp được thêm các ngôn ngữ và hình ảnh khác thể hiện trên mẫu con dấu của doanh nghiệp.
- Mực in con dấu sử dụng có thể là màu đỏ hoặc màu xanh.
Thủ tục thông báo mẫu con dấu
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 thì trước khi sử dụng, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh và sau đó mẫu con dấu sẽ được đăng tải công khai trên trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh. Thời điểm này, việc thông báo sử dụng mẫu dấu là một thủ tục bắt buộc.
Quy định mới nhất của Luật Doanh nghiệp 2020 không còn quy định nào quy định về thủ tục này nữa, điều này đồng nghĩa với việc đã bỏ thủ tục thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp trước khi sử dụng. Như vậy, từ ngày 01/01/2021 – thời điểm Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ không phải làm thủ tục thông báo mẫu con dấu.
Đây là một điểm cải cách, đổi mới với hướng mở cho doanh nghiệp, đồng thời, phù hợp với việc đơn giản hóa về thủ tục hành chính, tạo điều kiện, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện của doanh nghiệp.
Vậy doanh nghiệp phải quản lý, sử dụng con dấu như thế nào?
Trong các giao dịch với đối tác, việc có hoặc không sử dụng con dấu trong văn bản, giấy tờ được quy định tại Điều lệ của Công ty và có sự thỏa thuận giữa 2 phía: doanh nghiệp và đối tác.
Tại Khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định rõ việc quản lý, lưu giữ và sử dụng con dấu được thực hiện theo như quy định của Điều lệ công ty.
Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm một số quy định để doanh nghiệp căn cứ thực hiện. Theo đó, việc quản lý, lưu giữ và sử dụng con dấu thì ngoài quy định tại Điều lệ thì doanh nghiệp còn có thể căn cứ vào quy chế mà doanh nghiệp hoặc chi nhánh/văn phòng đại diện của doanh nghiệp sử dụng dấu ban hành.
Mặc dù có nhiều điểm mở rộng cho doanh nghiệp nhưng Luật Doanh nghiệp 2020 cũng hạn chế về trường hợp được sử dụng dấu của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép sử dụng con dấu trong những trường hợp theo quy định của pháp luật hay các bên giao dịch có sự thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Nhưng Luật Doanh nghiệp 2020, con dấu chỉ được sử dụng con dấu đối với các giao dịch mà pháp luật quy định, bỏ trường hợp sử dụng dấu khi các bên giao dịch có sự thỏa thuận.
Trên đây là bài viết về doanh nghiệp tư nhân có con dấu không? – “Con dấu doanh nghiệp tư nhân theo quy định pháp luật”. Nếu bạn còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần yêu cầu dịch vụ, bạn vui lòng để lại comment xuống phía dưới, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp sớm nhất