Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận, thống nhất về ý chí nhằm xác lập hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ sở hữu sản phẩm hàng hóa của các chủ thể, sự thỏa thuận này được xây dựng trên nền tảng tự do hợp đồng. Cùng tìm hiểu về loại hợp đồng này thông qua bài viết dưới đây.
Đâu là khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa?
Hợp đồng mua bán hàng hóa là một trong những loại hợp đồng về lĩnh vực thương mại. Hợp đồng này dựa trên sự thỏa thuận giữa người mua và người bán để thực hiện mua bán một hay nhiều hàng hóa bất kỳ, tuy nhiên sự thỏa thuận này phải được dựa trên cơ sở tự do hợp đồng.
Tự do hợp đồng là một tư tưởng mà nhờ đó các cá nhân, chủ thể được thể hiện quyền tự do thỏa thuận về các điều kiện của hợp đồng, không có sự can thiệp của chính quyền cấp trên. Do đó, hợp đồng được xem là sản phẩm được hình thành từ lợi ích của các bên tham gia giao kết.
Hợp đồng thương mại nói chung và hợp đồng mua bán nói riêng đều có những đặc thù riêng khác biệt với hợp đồng dân sự và các hợp đồng mua bán tài sản khác. Hợp đồng mua bán hàng hóa là những sự thỏa thuận giữa các chủ thể ký kết hợp đồng, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng và bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
Một số đặc điểm chính của hợp đồng mua bán hàng hóa
Hợp đồng mua bán các loại hàng hóa có bản chất như hợp đồng mua bán tài sản, đều với mục đích xác lập quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa các bên. Hợp đồng này còn có những đặc điểm bên dưới đây, cùng tham khảo với chúng tôi.
Chủ thể là thương nhân
Chủ thể hợp đồng chính là các bên thực hiện và giao kết hợp đồng, một bên chủ thể hợp đồng phải là thương nhân, chủ thể còn lại có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân. Đặc điểm về chủ thể của hợp đồng này là điểm khác biệt nhất với hợp đồng nhân sự.
Lý do có sự khác biệt này là do thương nhân là chủ thể chính thực hiện các hoạt động về thương mại và để thực hiện hoạt động thương mại cần đáp ứng những nhu cầu về tư cách pháp lý, về vốn. Ngoài ra, họ cần đáp ứng nhu cầu về một số điều kiện mang tính nghề nghiệp để hoạt động thương mại thường xuyên.
Hiện nay, trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều chủ thể kinh doanh độc lập, thường xuyên nhưng không phải đăng ký kinh doanh, những chủ thể này không phải là thương nhân theo quan niệm của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, những cá nhân có hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh mà vẫn có thể giao kết hợp đồng đồng mua bán hàng hóa với tư cách là bên mua.
Đặc điểm về đối tượng hợp đồng mua bán hàng hóa
Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, hàng hóa bao gồm tất cả các động sản, kể cả các động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai. Quy định về đối tượng về hợp đồng mua bán hàng hóa tại Luật Thương mại năm 2005, cần lưu ý khái niệm hàng hóa được mở rộng hơn nhằm đáp ứng hội nhập kinh tế thế giới, khái niệm hàng hóa có thể khác nhau ở mỗi quốc gia.
Không những thế, cần lưu ý về nội dung xã hội và nhu cầu giao lưu thương mại với quốc tế. Tại mỗi quốc gia, khái niệm hàng hóa cũng có thể khác nhau trong từng thời kỳ phát triển kinh tế, nhưng nói chung lại hàng hóa là đối tượng của hợp đồng, đây là những hàng hóa được pháp luật cho phép lưu thông và có tính thương mại.
Việc mở rộng khái niệm hàng hóa thể hiện phạm vi pháp luật được điều chỉnh rộng hơn của Luật Thương mại. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa to lớn cho việc đáp ứng yêu cầu điều chỉnh pháp luật khi Việt Nam mở cửa và hội nhập kinh tế với các quốc gia trong phạm vi toàn cầu và trên khu vực.
Mục đích chính của các bên là sinh lợi
Đặc điểm này xuất phát và gắn liền với các đặc điểm về chủ thể chủ yếu của hợp đồng mua bán là thương nhân. Thương nhân sẽ thường xuyên thực hiện các hoạt động thương mại, trong đó có cả hoạt động mua bán hàng hóa với mục đích chính là sinh lợi.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một bên của hợp đồng không có mục đích là sinh lợi. Những hợp đồng này về nguyên tắc, không chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại trừ khi bên không nhằm mục đích sinh lời đó lựa chọn việc áp dụng Luật Thương mại.
Hình thức thể hiện hợp đồng mua bán hàng hóa đa dạng
Hình thức của hợp đồng mua được thể hiện có thể bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng các hành vi cụ thể. Đối với hợp đồng mà được pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó của pháp luật. Theo quy định của quốc tế CISG, hợp đồng không nhất thiết phải bằng văn bản mà có thể thành lập bằng nhiều hình thức.
Hình thức của hợp đồng là cách thức thể hiện của các bên trong việc giao kết về hợp đồng, về nguyên tắc, các bên được tự do lựa chọn các hình thức hợp đồng phù hợp với lợi ích của mình. Trừ những trường hợp các hình thức cụ thể do pháp luật quy định của hợp đồng thì các bên của hợp đồng phải tuân theo quy định của pháp luật.
Ưu điểm của hình thức hợp đồng văn bản so với hình thức hợp đồng lời nói là hợp đồng sẽ ghi nhận rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Không những thế, hình thức hợp đồng bằng văn bản còn là cơ sở pháp lý cụ thể để các bên xem xét thực đầy đủ hợp đồng, đồng thời là văn bản quan trọng để cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp từ hợp đồng.
Những rủi ro tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hóa
Để đảm bảo an toàn về kinh tế, mỗi giao dịch thượng được 2 bên soạn thảo và ký kết các điều khoản hợp đồng, nhưng rủi ro có thể xảy ra. Dưới đây là các rủi ro thường gặp trong giao kết hợp đồng mua bán, mọi người có thể tham khảo.
Về chủ thể
Về người ký hợp đồng không có thẩm quyền, đây là người không phải là đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền hoặc là người đại diện nhưng không có thẩm quyền ký kết. Công ty không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng vì lấy lý do người ký kết không đúng trách nhiệm để hủy bỏ trách nhiệm, điều này gây thiệt hại lớn cho đối tác.
Thứ hai, người ký không phải là đại diện pháp luật của công ty, có ủy quyền nhưng thực hiện hợp đồng quá phạm vi ủy quyền. Trước khi giao kết cần phải kiểm tra xem ai là người đại diện theo pháp luật, có thẩm quyền không, sau đó yêu cầu cung cấp văn bản ủy quyền cho nhân viên khi giao dịch.
Rủi ro về giá và cách thức thanh toán
Khi thực hiện hợp đồng, việc xác định giá cả và các thỏa thuận vô cùng quan trọng, các bên cần thỏa thuận mức giá và ghi rõ vào hợp đồng. Một số rủi ro có thể xảy ra như giá khi thị trường biến động, đồng tiền làm phương thức thanh toán, tranh chấp về chi phí vận chuyển, cách thức giao nhận tiền. Các bên cần đưa ra các điều khoản chi tiết để phù hợp với từng giao dịch.
Một số rủi ro khác của hợp đồng mua bán hàng hóa
Khi thực hiện hợp đồng còn có các rủi ro về bồi thường thiệt hại, rủi ro về các sự kiện bất khả kháng, về các đối tượng của hợp đồng, rủi ro về các điều khoản khi phạt vi phạm… Khi soạn thảo hợp đồng cần có sự thỏa thuận rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng, trường hợp bồi thường thiệt hại sau khi chấm dứt hợp đồng.
Đối với đối tượng của hợp đồng luôn là hàng hóa, các bên thường tranh chấp về hàng hóa không đúng thỏa thuận về chất lượng, không đáp ứng được các tiêu chuẩn,… Do vậy khi tham gia ký kết cần phải đọc thật kỹ từng điều khoản của hợp đồng, chi tiết về đối tượng của hợp đồng.
Đâu là nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa?
Nội dung của hợp đồng là các điều khoản do bên bán và bên mua thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng bắt buộc phải có những nội dung chủ yếu, tùy thuộc vào các quy định của pháp luật, việc pháp luật quy định nội dung của hợp đồng mua bán các loại hàng hóa có ý nghĩa hướng các bên vào việc thỏa thuận, tránh tranh chấp xảy ra.
Luật Thương mại Việt Nam không quy định hợp đồng mua bán phải có nội dung bắt buộc nào. Tuy nhiên, mỗi hợp đồng mua bán thông thường phải chứa đựng sự thỏa thuận giữa các đối tượng về giá cả, chất lượng, phương thức thanh toán và thời gian, địa điểm giao nhận hàng.
Những lưu khi khi làm hay ký kết hợp đồng mua bán
Khi ký kết hợp đồng mua bán cần chú ý về chủ thể của hợp đồng ký kết, người ký kết hợp đồng phải có thẩm quyền ký kết. Chủ thể đại diện cần được ủy quyền đúng cách theo các quy định của pháp luật.
Khi ký kết cần đọc kỹ các nội dung về điều khoản hợp đồng như việc phạt khi vi phạm hợp đồng, tiêu chí về hàng hóa cũng như một số nội dung về địa điểm, thời gian, phương thức thanh toán và số tiền cần thanh toán. Tránh những việc xảy ra tranh chấp không cần thiết.
Tham gia giao kết hợp đồng có thể có nhiều hình thức khác nhau như văn bản, lời nói hoặc các hành vi. Nhưng khi thực hiện giao kết trên bất kỳ hình thức nào cũng phải cần tuân theo các quy định của pháp luật, tránh làm trái pháp luật.
Kết luận
Hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực thương mại, hợp đồng này là điều vô cùng quan trọng khi thực hiện mua bán hàng hóa của các chủ thể. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm khi tham gia ký kết hợp đồng, tránh những rủi ro xảy ra.