Vốn lưu động có thể so sánh vui rằng nó khá giống với ví tiền của bạn. Khi bạn tham gia vào hoạt động chi tiêu, mua sắm thì số tiền trong ví của bạn chính là vốn lưu động. Doanh nghiệp hoạt động và tồn tại được không chỉ nhờ vào vốn điều lệ mà còn nhờ vào vốn lưu động. Vốn lưu động không được quy định rõ ràng và cụ thể trong điều luật doanh nghiệp nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn đối với các hoạt động thực tế của công ty đó. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về vốn lưu động là gì và vai trò của nó đối với doanh nghiệp.
Vốn lưu động là gì?
Vốn lưu động (tên tiếng anh là Working capital), được coi là một thước đo tài chính thể hiện nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các hoạt động hàng ngày như: Tiền thanh toán hóa đơn điện nước, thanh toán cho nhà cung cấp, trả lương cho nhân viên, chi phí mặt bằng,…
Những việc liên quan tới khoản phải thu, khoản phải trả, quản lý hàng tồn kho,… được gọi là công việc quản lý vốn lưu động.
Ý nghĩa của vốn lưu động
Thông thường, một doanh nghiệp sẽ xảy ra 2 tình trạng sau:
Vốn lưu động ròng âm:
Thể hiện rằng các khoản nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn. Điều này có ý nghĩa, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ và rất dễ dẫn đến trường hợp xấu nhất là phá sản.
Vốn lưu động ròng dương:
Thể hiện rằng các khoản nợ ngắn hạn đang nhỏ hơn tài sản ngắn hạn. Nó có ý nghĩa là doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt để chi trả cho những khoản nợ tới hạn. Đồng thời, các hoạt động sản xuất diễn ra bình thường.
Vốn lưu động bao nhiêu thì được coi là an toàn?
Để biết doanh nghiệp sẽ cần bao nhiêu vốn lưu động đảm bảo mức an toàn thì ta có thể sử dụng công thức tỷ lệ vốn lưu động là chuẩn:
Tỷ lệ vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn / Nợ phải trả ngắn hạn
- Nếu tỷ lệ < 1. Lúc này, nợ phải trả đang nhiều hơn tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp đang ở trong trạng thái không đủ tài chính để thanh toán các khoản nợ và nguy cơ phá sản đang ở mức khá cao.
- Nếu 1 < tỷ lệ vốn lưu động < 2. Tức là nợ phải trả đang nhỏ hơn tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp lúc này có dư vốn để thanh toán các khoản nợ trong thời gian ngắn.
- Nếu tỷ lệ > 2. Trạng thái này có nghĩa là doanh nghiệp đang có nguồn lực rất mạnh, tài chính dồi dào và ít các khoản vay.
Chỉ cần tỷ lệ này đạt mức lớn hơn hoặc bằng 1 là có thể xem là trạng thái an toàn. Tùy vào từng lĩnh vực khác nhau mà có thể chấp nhận mức tỷ lệ khác nhau.
Vốn lưu động có vai trò gì trong doanh nghiệp?
Vốn lưu động là khoản chi phí dự tính dùng để mua sắm hàng hóa, dịch vụ, làm vốn luân chuyển,… đảm bảo cho kỳ hoạt động kinh doanh, sản xuất diễn ra liên tục. Bên cạnh tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị,… thì đây cũng là một trong những yêu cầu tiên quyết để công ty có thể đi vào hoạt động được tốt.
Bên cạnh đấy, vốn lưu động còn có sức ảnh hưởng đến quy mô hoạt động của các công ty. Nếu doanh nghiệp tự chủ trong việc sử dụng vốn, khi có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất thì việc huy động thêm vốn đầu tư là việc làm cần thiết. Lúc này, nguồn vốn lưu động sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng sức hút và nâng cao tính cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Vốn điều lệ và vốn lưu động khác nhau thế nào?
Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên trong doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập ra công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn. Nó là tổng mệnh giá cổ phần đã được đăng ký hoặc đã bán khi thành lập công ty cổ phần.
Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi. Hay các loại tài sản có giá trị như: Quyền sở hữu trí tuệ, vàng, công nghệ, quyền sở hữu bất động sản, bí quyết kỹ thuật và những tài sản mà có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Bản chất vốn lưu động và vốn điều lệ là hoàn toàn khác nhau.
- Vốn điều lệ là số vốn ban đầu được sở hữu bởi các thành viên ghi trên điều lệ của doanh nghiệp. Nó có liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi thành viên căn cứ và tỷ lệ góp vốn ghi trong điều lệ.
- Vốn lưu động là khái niệm liên quan tới quản trị và kế toán doanh nghiệp. Đây là khoản tiền được dự tính mua sắm hàng hóa, mua sắm các loại tài sản lưu động, làm vốn luân chuyển trong một kỳ kinh doanh. Phần dùng để đầu tư mua sắm trang thiết bị có thể được xem là vốn cố định.
Khi mới thành lập thì toàn bộ vốn kinh doanh được hình thành từ vốn ghi trên điều lệ ban đầu (vốn tự có). Nhưng sau này vốn kinh doanh sẽ được hình thành từ nhiều nguồn như: Lợi nhuận để lại, nợ, vốn ban đầu. Trong khi vốn điều lệ vẫn không đổi trừ khi có quyết định thay đổi điều lệ.
Trên đây những kiến thức cơ bản về loại vốn lưu động, vai trò của chúng và những tác động đến sự vận hành và hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp. Bạn cũng có thể sử dụng chỉ số này để đánh giá tiềm năng doanh nghiệp mà bạn muốn đầu tư hoặc rót vốn vào.
Tổng hợp: kienthuckhoinghiep.net